Bộ Y tế đang xây dựng lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau giữa các bệnh viện nhằm từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm y tế, bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế có thực hiện xét nghiệm.
Chất lượng xét nghiệm giữa các bệnh viện được nâng cao và liên thông sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán, điều trị bệnh một cách chính xác, giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực của xã hội.
Từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm y tế
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2016, cả nước có 52 phòng xét nghiệm thuộc các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn ISO 15189 (tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các phòng xét nghiệm y tế). Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189 sẽ giúp đảm bảo cung cấp kết quả xét nghiệm một cách chính xác và tin cậy, kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế khác nhau được chuẩn hóa phù hợp với tiêu chuẩn này. Đây chính là căn cứ, cơ sở để thúc đẩy việc thừa nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hay phát hiện, giám sát, dự phòng các loại bệnh dịch. Trong khi đó, hiện cả nước có gần 1.400 bệnh viện, mỗi năm khám, chữa bệnh cho trên 120 triệu lượt người, số lượng Phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189 tại Việt Nam còn quá ít.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, muốn công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, các phòng xét nghiệm phải đạt chất lượng tương đương nhau. Tại Việt Nam, do năng lực quản lý chất lượng xét nghiệm, trình độ nhân lực, trang thiết bị chưa đồng đều giữa các cơ sở y tế, các tuyến điều trị, gây ra các khó khăn trong việc chuẩn hóa chất lượng và kết quả xét nghiệm. Thực tế, một số phòng xét nghiệm cho kết quả khác nhau, gây ảnh hưởng không tốt tới lòng tin của người dân đối với các cơ sở y tế. Đây cũng là nguyên nhân các phòng xét nghiệm không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, dẫn đến phiền phức, tốn kém cho người bệnh và gia đình người bệnh, lãng phí nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, công tác quản lý trang thiết bị hóa chất và sinh phẩm chưa đáp ứng đủ yêu cầu trong quản lý và bảo đảm chất lượng xét nghiệm. Nhiều trang thiết bị y tế đang sử dụng tại các cơ sở y tế chưa được định kỳ kiểm chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa, không đủ nguồn vốn để đầu tư và đổi mới, nhiều địa phương không có đủ kinh phí để mua vật tư tiêu hao. Trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế chưa đủ để khai thác hết công suất trang thiết bị hiện có…
Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng xét nghiệm
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Chất lượng xét nghiệm y học được xác định dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí, hướng dẫn chuyên môn đặc thù, chất lượng máy móc, trang thiết bị xét nghiệm. Những tiêu chuẩn, hướng dẫn này thuộc hệ thống tiêu chuẩn riêng biệt cho từng lĩnh vực, từng chuyên ngành, từng quy trình xét nghiệm cũng như từng loại xét nghiệm. Từ trước tới nay, việc kiểm soát và quản lý chất lượng xét nghiệm y học chủ yếu thuộc trách nhiệm của các phòng xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Các phòng xét nghiệm y học xây dựng các quy trình chuyên môn để bảo đảm chất lượng xét nghiệm của đơn vị.
Để chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm, thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã yêu cầu 122 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng I tổ chức rà soát các khoa xét nghiệm, đặc biệt lưu ý chấn chỉnh các đơn vị xét nghiệm đặt tại các khoa khám bệnh, phòng bệnh… nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng xét nghiệm. Bên cạnh đó, giám đốc các bệnh viện phải thực hiện các giải pháp để chuẩn hóa chất lượng kết quả xét nghiệm giữa các khoa xét nghiệm trong mỗi bệnh viện, lưu ý thực hiện đầy đủ nội kiểm, ngoại bảo, bảo dưỡng, bảo trì trang thiết bị xét nghiệm theo quy định trước khi làm xét nghiệm cho người bệnh, đồng thời lập kế hoạch hoạt động cụ thể các công việc để chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện theo lộ trình quy định.
Bộ Y tế đang dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học trên cả nước. Đây là công cụ để phòng xét nghiệm đánh giá việc tuân thủ quy định hiện hành về quản lý chất lượng và thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng liên tục, duy trì chất lượng phòng xét nghiệm. Bộ tiêu chí đánh giá sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm y học để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Dự thảo dự kiến sẽ được thông qua trong thời gian sắp tới.
Các tin khác
Hà Nội: Hậu kiểm 28 hồ sơ trang thiết bị y tế cấp trực tuyến, chỉ 1 cơ sở đạt
Qua hậu kiểm 28 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực trang thiết bị y tế đã được cấp đăng ký trực tuyến thì đã phải rút giấy phép tới 27 cơ sở, chỉ có 1 cơ sở đạt và tiếp tục giữ công bố.
Chi tiếtNhững thiết bị chăm sóc sức khỏe nào nên có trong nhà?
Những thiết bị chăm sóc sức khỏe được dùng tại nhà đã trở nên phổ biến và vì thế nhiều người cảm thấy băn khoăn không biết nên chọn thiết bị nào cho gia đình mình. Dưới đây là một số gợi ý về những thiết bị chăm sóc sức khỏe nên có trong nhà bạn. Máy đo đường huyết
Chi tiết